Chỉ đạo tại Diễn đàn ngành công nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ, lâm sản ngày 22/2, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, thành quả của ngành không chỉ có kim ngạch xuất khẩu vượt kế hoạch, xuất khẩu tới trên 120 địa bàn quốc gia và lãnh thổ, đứng đầu Asean, nhìn châu Á, 5 thế giới.
Khả năng cạnh tranh thấp
“So với năm 2005, kim ngạch xuất khẩu đã tăng 900%, mức tăng mà không phải ngành nào cũng đạt được. Không chỉ số lượng, ngành gỗ cũng có sản phẩm thiết kế, mẫu mã tốt được thị trường khó tính chấp nhận. Giá trị gia tăng nó nằm ở chỗ đó”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Trên thực tế, ngành công nghiệp gỗ Việt Nam bắt đầu gia nhập câu lạc bộ xuất khẩu 1 tỷ USD từ năm 2005 với việc xuất khẩu đến 60 quốc gia và vùng lãnh thổ. Sau 14 năm phát triển, ngành đã có sự bứt phá mạnh mẽ.
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, năm 2018, kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản Việt Nam vượt ngưỡng 9,3 tỷ USD, chiếm trên 25% kim ngạch xuất khẩu của ngành nông nghiệp, giá trị suất siêu đạt trên 7,1 tỷ USD. Việt Nam đã trở thành quốc gia đứng thứ 5 trên thế giới, thứ 2 Châu Á, thứ nhất Đông Nam Á về xuất khẩu gỗ và lâm sản.
Đến nay, cả nước có 4.500 doanh nghiệp chế biến gỗ và lâm sản, trong đó 95% là doanh nghiệp tư nhân, 3,5% doanh nghiệp có vốn đầu tư trên 50 tỷ đồng. Số doanh nghiệp chế biến sản phẩm xuất khẩu đạt trên 1.800 doanh nghiệp, tăng hơn 300 doanh nghiệp so với năm 2017.
Thủ tướng đánh giá, việc chuyển giao công nghệ tư các viện, trường, nhà nghiên cứu đến với thị trường xuất khẩu bước đầu rất tốt. Làm thị trường lớn toàn cầu mà không nghiên cứu khoa học thì khó phát triển bền vững.
“Chúng ta đang đứng trên đôi chân của mình là các sản phẩm gỗ tiêu dùng Việt Nam phần lớn có nguyên liệu từ gỗ rừng trồng, hạn chế gỗ nhập khẩu, nghiêm cấm khai thác gỗ rừng trồng tự nhiên”, Thủ tướng nói.
Tuy vậy là nước nông nghiệp nhiệt đới, nói như Thủ tướng là “một nước tam sơn tứ hải” nhưng Việt Nam mới chiếm 6% thị phần thế giới thì đây là mức thấp, đồng thời sản phẩm đồ gỗ còn chưa đa dạng, hấp dẫn.
Đặc biệt, quy mô phát triển, tầm cỡ doanh nghiệp, số lượng thì có mà chất lượng còn nhiều vấn đề. “Có nhiều doanh nghiệp, nhưng thiết thương hiệu còn thông qua đối tác nước ngoài nên hiệu quả, giá trị được nhận còn thấp. Chúng ta còn trăn trở nhiều mặt hàng hoàn toàn sản xuất được, nhưng vẫn phải nhập khẩu, do không có khả năng cạnh tranh”, Thủ tướng nói.
Một số lâm sản như quế, hồi, sâm ngọc linh... chưa phát huy, mới xuất khẩu được ít, chưa xây dựng được uy tín.
Đơn cử, sâm Ngọc Linh là thương hiệu quốc gia, bảo vật nhưng chưa trở thành quốc kế dân sinh. Thực thi pháp luật về bảo vệ rừng, lâm sản còn nhiều bất cập. Sắp xếp đổi mới công ty lâm nghiệp còn nhiều vướng mắc.
Nguồn: Báo Diễn đàn doanh nghiệp